Chính sách thu hút nhân lực của Đức
Du học nghề là một cụm từ được các trung tâm tư vấn du học đặt ra trong khoảng 5 năm trở lại đây,ởrộdịchvụtưvấnduhọcnghềĐứcvớiphídịchvụđắtđỏlịch world cup để nói về hình thức đưa người tốt nghiệp THPT sang châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc… vừa học vừa làm trong từ 3-5 năm, dựa trên chính sách thu hút nhân lực nước ngoài của các quốc gia đó. Tuy nhiên, phổ biến hơn cả vẫn là du học nghề Đức do mức lương ở quốc gia này cao.
Thực chất, du học nghề Đức là một chính sách quy định tại điều 16a luật Cư trú của nước này, cho phép người nước ngoài có thể được cấp giấy phép cư trú cho mục đích học nghề và bồi dưỡng nâng cao trình độ nghề.
Thông tin chính thống về du học nghề Đức hiện nay được đăng tải duy nhất ở trang web của các cơ quan đại diện CHLB Đức tại VN. Tuy nhiên, trang này chỉ hướng dẫn cách làm hồ sơ xin cấp thị thực theo diện cư trú cho mục đích học nghề chứ không có bất cứ thông tin nào khác như các trường tiếp nhận, mức lương học nghề…
Theo ông Lê Nguyễn Hoàng Đức, Giám đốc Trung tâm Việt Đức (TP.HCM), nếu người học làm theo hướng dẫn trên để có thị thực sang Đức học nghề thì rất khó vì phải tự liên hệ được với trường học ở Đức, tự thỏa thuận mức lương và ký hợp đồng...
"Nếu tự làm được thì người học không tốn bất cứ chi phí nào ngoài các chi phí khám sức khỏe, làm visa, dịch thuật hồ sơ… Nhưng rất hiếm người có khả năng tự làm được hồ sơ. Chính vì thế, các trung tâm tư vấn du học đã "nhảy" vào thị trường đang rất nóng này. Họ tự tìm kiếm đối tác bên Đức và với vai trò trung gian, họ đưa ra mức giá dịch vụ cao chót vót mà người du học nghề phải trả nếu muốn sang Đức. Đồng thời quảng bá mức lương vượt quá mức lương thực tế mà phía Đức trả nhằm thu hút khách hàng", ông Đức cho hay.
Quảng cáo mức lương trăm triệu đồng/tháng
Thực vậy, mới đây, một doanh nhân là "cá mập" của chương trình Shark Tank (Thương vụ bạc tỉ) đã có những clip chia sẻ về lợi ích của du học nghề Đức để quảng bá cho trung tâm tư vấn du học của mình. Trong đó, đáng chú ý là doanh nhân này thông tin về việc bạn trẻ sang Đức vừa học vừa làm nghề điều dưỡng mỗi tháng gửi về cho gia đình 100 triệu đồng (khoảng gần 4.000 euro).
Được biết trung tâm của shark này tiếp nhận những học viên tuổi từ 18-35, vừa tốt nghiệp THPT, sang Đức tham gia chương trình đào tạo kép với 30% học tại trường, 70% học và làm việc tại doanh nghiệp, chỉ tốn một khoản phí ban đầu, còn lại được miễn hoàn toàn học phí, ngoài ra còn được nhận mức lương như trên.
Ngoài ra, trên mạng cũng xuất hiện hàng trăm thông tin quảng bá về du học nghề châu Âu, trong đó chủ yếu là Đức. Tìm đến địa chỉ của tổ chức tư vấn giáo dục quốc tế IECS tại Q.Tân Phú, TP.HCM, với vai trò phụ huynh, chúng tôi được thông tin về lộ trình du học nghề Đức dành cho học viên vừa tốt nghiệp THPT. Theo đó, học viên sẽ đăng ký học tiếng ngay tại trung tâm với các khóa A1, A2, B1, mỗi khóa học phí 15 triệu đồng, học trong 2 tháng và ôn thi chứng chỉ B1 trong vòng 1 tháng. Tổng cộng thời gian học tiếng là 7 tháng.
Sau đó, học viên sẽ ký hợp đồng với trung tâm và đóng tiền giai đoạn 1 là 80 triệu đồng. Giai đoạn 2 là chuẩn bị hồ sơ, xin trường và đóng các khoản phí tại Đức, tìm nhà và đặt cọc nhà, sắp xếp lịch phỏng vấn với trường ở Đức. Giai đoạn tiếp theo là đóng nốt số tiền cho trung tâm, đặt lịch phỏng vấn visa. Tổng số tiền dịch vụ phải đóng cho trung tâm này để hoàn thiện hồ sơ sang Đức vừa học vừa làm là 200 triệu đồng.
Cũng theo trung tâm này, mức lương của người học ngành điều dưỡng trong vòng 3 năm học nghề là từ 1.200-1.500 euro/tháng (31-39 triệu đồng), làm thêm ngoài giờ khoảng 11 triệu đồng/tháng. Trong 3 năm học nếu không làm thêm thì tiết kiệm được 648 triệu, có làm thêm thì được hơn 1 tỉ đồng. Còn sau khi học xong học viên được làm tiếp 2 năm, lương cơ bản trung bình là 101 triệu đồng/tháng, tiết kiệm được 3,4 tỉ trong vòng 5 năm du học nghề.
Trong khi đó, Trung tâm ngoại ngữ và du học Đức CMMB có trụ sở tại Q.3, TP.HCM, quảng bá du học nghề Đức với chi phí 88 triệu đồng (ưu đãi tới 150 triệu đồng, có nghĩa nếu không được ưu đãi thì chi phí dịch vụ lên tới 238 triệu đồng), trong quá trình học được hưởng lương 1.500 euro/tháng chưa kể tiền thưởng kỳ nghỉ hè, Giáng sinh, dã ngoại. Học viên có thể chọn những ngành nghề đa dạng trong khối chăm sóc sức khỏe, khối kỹ thuật, khối nhà hàng-khách sạn-dịch vụ, tại những trường thuộc các bang "giàu có nhất của Đức". Viện InterEducation cũng quảng bá du học nghề Đức có lương từ 1.200-1.500 euro/tháng trong 3 năm học nghề và khi có bằng nghề lương lên 2.800-3.500 euro/tháng...
Thực tế lương bao nhiêu?
Năm 2018, ông N.A.Tuấn (TP.HCM) đăng ký cho con sang Đức làm việc tại một trung tâm tư vấn du học nghề tại TP.HCM. Con ông Tuấn đã có bằng điều dưỡng CĐ, theo quy định của Đức, người đã có bằng nghề tại VN khi sang Đức sẽ được chuyển đổi và học bổ sung khoảng 6 tháng trước khi đi làm chính thức (trong khi người tốt nghiệp THPT sang Đức phải học 3 năm). Nhưng trung tâm này nói với ông Tuấn là cứ ký hợp đồng và sang Đức trước đã, trung tâm sẽ làm thủ tục chuyển đổi bằng cho con ông Tuấn sau khi sang.
Ông Tuấn đã đóng khoản tiền dịch vụ là 200 triệu đồng, đồng thời trung tâm bắt ký quỹ 100 triệu đồng để đảm bảo con ông Tuấn sẽ ở Đức làm việc trong 3 năm. Trung tâm hứa sau 3 năm sẽ hoàn trả số tiền này.
"Khi sang tới Đức, con tôi vẫn không được chuyển đổi văn bằng nên phải học lại từ đầu như một người chưa có bằng cấp. Lúc đó không biết phải liên hệ với ai để được hỗ trợ. Họ đưa con tôi sang là xong trách nhiệm, con tôi phải tự bơi. Trong thời gian học, lương con tôi nhận là 1.100 euro/tháng, trừ đi các chi phí còn 700 euro chứ không phải lương 1.500 euro như họ nói lúc đầu. Sau 3 năm, tôi đến trung tâm để nhận lại số tiền 100 triệu đồng nhưng không ai gặp. Nhắn tin, gọi điện cũng không có ai trả lời. Đến giờ tôi vẫn chưa đòi được số tiền đó. Ngoài con tôi, còn rất nhiều học viên khác cũng chưa đòi được tiền", ông Tuấn kể.
Thạc sĩ Nguyễn Khánh Cường, Hiệu trưởng Trường CĐ Công nghệ Quốc tế Lilama 2, trường đang có chương trình đào tạo kép cho sinh viên học xong sang Đức làm việc, khẳng định chương trình du học nghề của Đức là có thật từ nhiều năm nay. Đây là chính sách của Chính phủ Đức nhằm thu hút nguồn nhân lực từ nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Theo đó, người học không phải đóng bất cứ một khoản chi phí nào cho phía Đức mà ngược lại còn được nhận lương trong thời gian 3 năm học nghề từ 800- 1.000 euro/tháng.
“Một số trung tâm đưa ra thông tin gây hiểu lầm về mức lương cao nhằm thu hút người học, chưa kể còn thu tiền dịch vụ lên tới vài trăm triệu đồng. Với những gia đình khó khăn thì đây là một khoản tiền tương đối lớn và không chắc đóng tiền dịch vụ rồi thì có đạt được thu nhập như mong muốn khi sang tới Đức hay không”, ông Cường nhìn nhận.
Số liệu mới công bố của Cơ quan trao đổi hàn lâm Đức (DAAD) cho thấy năm 2023 có 458.210 sinh viên quốc tế đang học ở Đức. Theo DAAD, số lượng sinh viên quốc tế nhập học tại các ĐH ở Đức trong học kỳ đầu tiên của năm học 2022-2023 tăng 5% so với 2021-2022, đánh dấu một kỷ lục mới cho nước này. Phần lớn sinh viên quốc tế tại Đức học ngành kỹ thuật, tổng cộng là 145.707.
Phúc Duy
Cần tìm hiểu kỹ tính pháp lý và mức độ uy tín của các trung tâm
Chia sẻ về vấn đề này, bà Lý Kim Nhung, phụ trách dự án tư vấn công nhận văn bằng, Phòng Công nghiệp và thương mại Đức, thông tin: "Tại VN, hiện mới chỉ có thông tin chính thức về việc đưa người có bằng tốt nghiệp ĐH, CĐ, trung cấp sang Đức làm việc, chứ thông tin chính thống từ một cơ quan chức năng về du học nghề cho đối tượng tốt nghiệp THPT là không có. Chính vì thế, các trung tâm tư vấn du học mới có cơ hội tung ra những thông tin về mức lương không đúng sự thật, dịch vụ cũng mỗi nơi một kiểu với các mức phí "trên trời". Theo bà Nhung, phụ huynh và người học cần hết sức cẩn trọng, trước khi ký hợp đồng và đóng tiền dịch vụ cần tìm hiểu kỹ tính pháp lý và mức độ uy tín của các trung tâm để tránh xảy ra các tình huống rắc rối về sau.